TƯ TƯỞNG VÌ DÂN – TRUYỀN THỐNG VÀ HIỆN ĐẠI
Một tư tưởng hun đúc từ ngàn xưa
“Vì dân” là tư tưởng chính trị lâu đời và quý báu trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, có cội nguồn sâu xa và vững chắc nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Điều đó cho thấy tầm quan trọng cũng như tính tất yếu của một tư tưởng cũng như thái độ chính trị tốt đẹp cần phải có của những người gánh trên vai trọng trách quản lý đất nước và lãnh đạo nhân dân. Dân tộc Việt Nam có lịch sử 4 ngàn năm dựng nước và giữ nước, đó là quá trình giải phóng đất nước và giải phóng nhân dân thoát khỏi ách thống trị và áp bức của ngoại bang. Khi đã có một nền độc lập tự cường thì tư tưởng “Vì dân” là một lý tưởng tốt đẹp cho những nhà cầm quyền. Trở thành “kế sâu rễ bền gốc” để phát triển đất nước Đại Việt cũng như chống lại mọi sự xâm lược của ngoại bang.
Trong bối cảnh chế độ nhà nước phong kiến
Nhân dân là mạch nguồn của văn hoá dân tộc, là nguồn lực mạnh mẽ cho công cuộc xây dựng một đất nước hùng cường. Vì vậy, dù trong bối cảnh của chế độ phong kiến quân quyền thì vị vua sáng suốt nào cũng thấy được tầm quan trọng của sức mạnh nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước.
Xã hội Phong kiến ở nước ta được đại diện bằng hệ tư tưởng Nho giáo của Khổng Tử -- một học thuyết đề cao sự trung quân và có hệ thống lễ giáo chặt chẽ mang tính bảo thủ nhằm bảo vệ chế độ quân chủ. Nhà vua có vị trí tối cao và bất khả xâm phạm, được mệnh danh là thiên tử (con trời), thay trời cai trị nhân dân. Khi Thiên tử đi ra ngoài, thì không ai được phép nhìn mà phải cúi rập mình xuống đất, chờ cho đến khi nhà vua đã đi qua mới được nhìn lên.
Kế đến là tầng lớp Sĩ đại phu (những người chịu trách nhiệm về chính trị) có vị trí lớn lao trong hệ thống quyền lực của nhà nước phong kiến. Trong bối cảnh của một xã hội phong kiến đề cao sự phân biệt đẳng cấp và giai tầng như vậy thì việc có một tư tưởng trọng dân hay vì dân thật khó khăn và vấp phải nhiều trở lực từ phía tầng lớp cầm quyền. Nhưng lịch sử cũng đã chứng minh hùng hồn rằng những triều đại nào coi trọng người dân và vì dân thì thịnh trị, triều đại nào khinh rẻ và đàn áp nhân dân thì phải chuốc lấy bại vong.
Trong lịch sử phong kiến nước ta có nhiều tấm gương hiền thần, họ cống hiến hết tài năng và sức lực của mình cho đất nước và nhân dân. Họ sống và chiến đấu gần gũi với người dân, coi nhân dân là nền tảng sức mạnh của một vương triều. Đó là Tô Hiến Thành, Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm… Họ là những anh linh Tuấn kiệt của dân tộc, hết thảy đều ví nhân dân như là nước mà chính quyền chỉ là con thuyền mong manh trên đó: “Đẩy thuyền cũng là nước, lật thuyền cũng là nước”.
Sách Lễ ký có ghi: “Dân lấy vua làm tâm, vua lấy dân làm thân thể; tâm trang chính thì thân thể thư thái, tâm nghiêm túc thì dung mạo cung kính. Tâm thích cái gì, thân thể ắt là yên vui cái ấy. Tâm nhờ thân thể mà toàn và cũng vì thân thể mà nguy. Vua nhờ dân mà còn cũng vì dân mà mất”. Như vậy hẳn ai cũng thấy rõ vai trò và sức mạnh, cũng như tầm quan trọng của nhân dân trong mọi chế độ xã hội. Nhân dân là tâm điểm của sự tồn tại và là đối tượng phục vụ của nhà nước.
Trong thời đại ngày nay
Tiếp nối mạch nguồn tư tưởng tốt đẹp đó chính là tư tưởng dân chủ trong xã hội hiện đại. Có thể nói tư tưởng vì dân và dân chủ là hai khái niệm có chung nguồn gốc và mục đích. Khi ta nói “Vì dân” là được nhìn nhận từ góc độ của một đảng phái hay chính quyền nhà nước trong thái độ phục vụ nhân dân bằng cách đề cao tư tưởng dân chủ. Đó cũng là điều được suy ra từ chính tư tưởng “Chủ quyền nhân dân” của các nhà triết học lỗi lạc thời kỳ cách mạng Dân chủ tư sản ở Tây Âu (John Locke, Giôn Linbecnơ, Rousseuou, Robespiere…) cũng như các nhà tư tưởng thời kỳ cách mạng dành độc lập ở Mỹ (T. Jefferson, Hamintơn, Pênơ…) đã hằng xây đắp.
Trong thời đại dân chủ với các khái niệm tự do, nhân quyền được thừa nhận và phổ biến rộng rãi thì sự tồn tại của một nhà nước là để đại diện cho nhân dân và vì dân. Chính quyền trong một xã hội dân chủ được người dân bầu nên một cách minh bạch, khách quan và đại diện cho ý nguyện người dân trong việc quản lý và phát triển đất nước. Vì thế nhà nước chỉ đại diện cho nhân dân và vì dân, không thể chỉ vì lợi ích của một nhóm lợi ích cầm quyền như trong một số quốc gia độc tài còn sót lại trên thế giới.
“Vì dân” cũng là lời hứa và sự khẳng định cho tôn chỉ hành động của một đảng phái hay chính quyền trong hoạt động quản lý đất nước. Điều đó khẳng định mục đích tốt đẹp của nhà nước trong việc thực thi các quyền dân chủ, đề cao vị trí người dân trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Nếu như trong bối cảnh xã hội phong kiến tư tưởng vì dân là tiến bộ và mang nội dung nhân đạo sâu sắc thì trong thời đại ngày nay có sứ mệnh nâng lên một tầm cao mới tư tưởng dân chủ, nhằm ngày càng phát triển và hoàn thiện các giá trị dân chủ cao đẹp.
Để tư tưởng Vì Dân được phát huy
Chúng ta hiểu rằng tư tưởng vì dân trong xã hội phong kiến gặp phải nhiều khó khăn và trở ngại, bởi tầng lớp cầm quyền muốn duy trì vị trí và lợi ích của họ. Chế độ quân chủ đề cao nhà vua và tầng lớp quan lại quý tộc, lập nên hàng rào đẳng cấp để phân biệt và hạ thấp vai trò người dân trong đời sống xã hội. Vì vậy khái niệm về sự làm chủ của nhân dân chưa được tồn tại.
Đạo Khổng chủ yếu quy định các “Nghĩa vụ” của tầng lớp thứ dân hơn là quy định các “Quyền” của họ. Vì vậy người dân chỉ có thể bắt gặp tư tưởng vì dân trong hiện thân của một vị vua sáng và biết yêu nước thương dân hay những quan lại hiền tài có tư tưởng trọng dân.
Đối với các chế độ độc tài chuyên chế thì khi họ nói vì dân thì đó chỉ là luận điệu lừa bịp, vì rằng bản thân chế độ đã đối lập với các khái niệm dân chủ và vì dân rồi. Nhà nước độc tài tồn tại dựa vào sức mạnh quyền lực, gạt bỏ vai trò của người dân trong đời sống chính trị - xã hội. Lợi ích mà họ hướng tới là của nhóm thiểu số cầm quyền và những thế lực phục vụ cho chế độ. Ngược lại với tư tưởng vì dân thì nhà nước độc tài chỉ vì chính họ mà chà đạp lên những lợi ích và nhân quyền của người dân.
Tư tưởng vì dân chỉ được tồn tại và phát huy hết giá trị cao đẹp của nó trong một xã hội tự do – dân chủ làm nền tảng. Ở đó người dân được giám sát, đánh giá các hoạt động của nhà nước, vì thế mà họ biết được rằng những hành động vì dân có được thực thi hay không. Sự tương tác giữa nhà nước và người dân trong xã hội dân chủ giúp cho tư tưởng vì dân được phát triển mạnh mẽ, và không ngừng nâng cao vai trò tiến bộ của nó trong hoạt động quản lý nhà nước của một chính quyền của dân, do dân và vì dân.
Luôn là một tư tưởng nhân ái và cao đẹp
Tư tưởng vì dân của một chính quyền luôn đóng một vai trò tiến bộ trong việc hoàn thiện bộ máy nhà nước dân chủ và nâng cao vai trò trách nhiệm của những người cầm quyền quản lý đất nước. Điều đó cho thấy sự ý thức trách nhiệm của chính quyền đối với người dân – đối tượng phục vụ của một nhà nước dân chủ. Và vì thế mà vai trò và vị thế của người dân không ngừng được nâng cao bằng việc củng cố các quyền tự do, dân chủ của mình. Thái độ tốt đẹp đó luôn được người dân ủng hộ và đòi hỏi tính nhất quán trong đường lối quản lý của nhà nước.
Hành động vì dân trước hết là trách nhiệm và nghĩa vụ của một nhà nước dân chủ, cũng như của những người lãnh đạo có tâm đối với đất nước và nhân dân. Sự vững mạnh và phát triển của một đất nước có gì khác ngoài sự giàu mạnh và hạnh phúc của người dân? Cho nên chúng ta có thể nói rằng: Một khi chính quyền thực thi các quyền lực vì nhân dân thì cũng chính là vì đất nước. Tất cả các lợi ích vì đất nước trước hết phải vì nhân dân, trước khi chủ quyền đất nước được bảo toàn thì chủ quyền nhân dân và nhân quyền phải được tôn trọng và đảm bảo.
“Vì dân” luôn là một tư tưởng nhân ái và cao đẹp trong bất cứ thời đại nào, và càng trở nên ý nghĩa trong bối cảnh của thời đại tự do dân chủ ngày nay. Dòng tư tưởng yêu nước thương dân đó hoà cùng dòng chảy lịch sử và ngày nay nội dung chân thực đó được hiện hữu trong việc đảm bảo và thực thi chủ quyền nhân dân. Đó là một xã hội tốt đẹp mà nhân loại hằng hướng tới trong suốt hàng ngàn năm lịch sử. Một tư tưởng luôn được người dân hết lòng ủng hộ và bảo vệ bởi tính nhân ái và vì lợi ích của nhân dân. Tư tưởng vì dân luôn là sự lựa chọn của những người nắm giữ trọng trách quản lý đất nước với mục tiêu phục vụ nhân dân.
Ngày nay, ở nước Việt Nam ta chính trị thì độc tài, pháp luật bị buông lỏng, xã hội vì thế mà rối như canh hẹ. Dân chúng điêu đứng khổ sở vì sự đàn áp của nhà cầm quyền và nạn quan tham lại nhũng, bởi vậy mà họ mất lòng tin vào chính quyền. Trước tình hình nguy ngập đó nhà nước cũng muốn bắt chước các đời Đinh Lê Lý Trần để chỉnh đốn xã hội. Ngặt nổi nếu học theo người xưa mà đề cao pháp luật thì làm gì còn chỗ cho bọn quan lại sâu mọt, làm gì có cớ mà nhũng lạm nhân dân cho đầy túi tham? Đám quan lại tham nhũng này là thành phần trụ cột của chế độ, nếu pháp luật nghiêm trị chúng thì làm gì còn người để cai trị dân, vì thế mà chế độ sẽ sụp đổ. Điều cắc cớ là chỗ đó, khi tuyên bố xây dựng một nhà nước pháp quyền thì chính họ không tuân thủ pháp luật để giữ chữ tín với dân. Thế thì thử hỏi người dân làm sao có thể tin vào chính quyền, tin vào chế độ? Vì vậy, thời nay muốn có một chữ tín thật khó thay!
Nhưng rồi Quốc Hội cũng ban hành luật, đến khi có hiệu lực rồi mà vẫn không thi hành được. Phải mất cả nửa năm sau, chính quyền địa phương các cấp mới gửi công văn yêu cầu hướng dẫn và chờ đợi. Kế đó cấp trên trát xuống các văn bản hướng dẫn thi hành một cách lòng vòng và đầy mâu thuẫn chồng chéo, đến độ những người trong ngành Luật cũng không thể hiểu nổi. Kết quả là đám quan lại của chính quyền áp dụng luật một cách tùy tiện tùy vào nhu cầu hành hạ và áp chế người dân. Thử hỏi nhân dân làm sao mà chịu đựng được mãi kiểu pháp luật và bộ máy nhà nước quái dị này?
Giữa triều đại này cách nhau cả ngàn năm mà sự cách biệt thật rõ ràng. Mấy ngàn năm trước chính trị còn tốt đẹp hơn bây giờ, thật khó hiểu lắm lắm? Đau lòng thay cho người dân nước Việt, mãi đến bây giờ còn phải chịu đựng một thể chế chính trị lạc hậu và tàn tệ đến như vậy. Nhà nước vẫn nói một đường làm một nẻo, pháp luật mình làm ra mà không thực hiện. Quả là Pháp luật và chữ tín của nhà cầm quyền nước Việt thời nay không đáng một xu vậy. Thật là thẹn với người xưa lắm thay!
Đăng bởi Minh Văn
Với Thế kỹ 21 ngày nay, một tư tường vì dân trong một Chính quyền " Tự do, Dân chủ...". Là một Chính quyền do dân bầu ra với sự đóng góp của các tư tưởng người dân trái chiều "Đối lập, Đa đảng phái...". Là một trong những tiếng nói đóng góp cho sự thịnh hành của một Quốc gia. Chống lại sự bề thế của bè phái tham nhũng, độc tài quan liêu mua quan bán chức , Chạy quyền kế thừa theo kiểu cha truyền con nối v.v... Một tư tưởng vì dân là tất cả tiêng nói của công dân đóng góp trên mọi phương diện của lẽ phải, sự thật, chứ không phải riêng của một nhà Chính quyền Độc tài nào hết đòi lãnh đạo Quốc gia. Công dân đi bầu cử chọn lựa người đại diện cho mình của một Đảng phái nào của một trong số Đa Đảng phái nào mà công dân thấy có lợi cho Quốc gia có thời hạn là bao nhiêu năm. Như các Quốc gia Tự do Dân chủ Đa Đảng phái... Điển hình "Cộng Hòa Liên Bang Đức"
" Tư Tưởng Vì Dân Là Của Người Công Dân Trong Một Quốc Gia Được Quyền Tham Chính Tiếng Nói Chứ Không Phải Của Một Chính Quyền".
KN
KN