Dienstag, 2. August 2016

“Cái đuôi con Thạch Sùng”



ý giải về hiện tượng: “Cái đuôi con Thạch Sùng”
Cách nay hơn 20 năm, chế độ độc tài Cộng sản hoang tưởng và phi nhân tại Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ. Mở ra một kỷ nguyên mới hậu Cộng Sản, thời kỳ của tự do dân chủ. Các nhà nước cộng sản đã để lại một di sản đổ vỡ về cơ cấu kinh tế - xã hội, do nhận thức sai lầm về tư tưởng và sự cai trị độc tài của họ. Tại đất nước Việt Nam, chế độ Cộng sản vẫn còn tồn tại, khi mà hệ thống này đã phá sản và sụp đổ ngay tại cái nôi đã sản sinh ra nó. Nhiều bậc thức giả ví von: Đó là “Hiện tượng cái đuôi của con Thạch Sùng”. Vì rằng cái đuôi con Thạch Sùng vẫn ngo ngoe sau khi đã bị đứt rời khỏi thân thể, một thời gian sau thì mới chịu chết hẳn. Đây là một hiện tượng hi hữu trong tự nhiên.
Vậy chúng ta hãy cùng tìm hiểu và lý giải hiện tượng nói trên, hòng tìm ra phương hướng để giải thể chế độ độc tài sai trái trên đất nước ta. Theo quan điểm cá nhân tôi, sở dĩ chế độ Cộng sản tại Việt Nam vẫn chưa sụp đổ vì các nguyên nhân sau:
Sự lừa dối và kìm kẹp một cách quyết liệt của chế độ: Do nắm hết mọi phương tiện truyền thông, chế độ đã bưng bít thông tin về sự sụp đổ của hệ thống Cộng Sản, đồng thời tiếp tục lừa mị người dân. Thời điểm xảy ra những sự kiện nói trên thì Việt Nam vẫn là một ốc đảo về thông tin, tự do ngôn luận bị cấm đoán. Vì vậy mà làn sóng tư tưởng đòi thay đổi thể chế, để Việt Nam có thể bắt kịp tình hình tại Liên Xô và Đông Âu nhanh chóng bị dập tắt. Các nhà dân chủ lên tiếng đòi xác lập đa nguyên cũng bị đàn áp và bắt giam. Nhà nước vẫn tiếp tục nhồi sọ cho nhân dân về sự vĩ đại của Bác Hồ và đảng Cộng sản. Chế độ toàn trị được thực thi quyết liệt, bóp nghẹt mọi quyền tự do dân chủ của người dân.
Bối cảnh lịch sử và xã hội: Về nội dung này có thể chia thành hai phần: Trình độ dân trí và tư tưởng Á Đông.
Về trình độ dân trí: Có thể nói, trong suốt thời gian cầm quyền của mình, nhà nước Cộng sản đã thực hiện một chính sách nhồi sọ và ngu dân toàn diện. Điều đó khiến cho người dân Việt Nam không tiếp cận được với sự thật và chân lý. Họ được giáo dục và nhồi nhét về sự đúng đắn duy nhất của hệ tư tưởng cộng sản, cho nên các khái niệm về tự do dân chủ trở nên xa lạ. Điều này được thực hiện ngay cả trong hệ thống giáo dục, từ bậc phổ thông cho đến cấp đại học và cao hơn. Vì vậy mà nhận thức của người dân cũng như các thành phần xã hội khác đã bị thui chột. Một tư duy dân chủ, khách quan khi đánh giá sự vật đã không nằm trong thói quen suy nghĩ, họ chỉ có một cách nhìn định kiến và quy kết.
Có cả một hệ thống tuyên giáo từ trung ương đến địa phương để làm công tác tư tưởng cho cán bộ công chức, ép buộc lòng trung thành với chủ nghĩa Mác. Đối với người dân thì đã có hệ thống dân vận và các đoàn thể chính trị khác kìm kẹp. Với sự tuyên truyền và nhồi sọ một cách triệt để như vậy của chế độ, người dân đã hoàn toàn bị nô lệ về nhận thức. Bản thân những người lãnh đạo bộ máy nhà nước cũng là nạn nhân của chính hình thức này. Cho nên nói: Họ vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm.
Về ảnh hưởng của tư tưởng Á Đông: Việt Nam là một dân tộc Á Đông. Tư tưởng về sự trung quân và nhẫn nhịn đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ. Chế độ độc tài đã lợi dụng điều này để áp đặt sự cai trị lâu dài. Họ dựng lên hình ảnh lấp lánh của một lãnh tụ, quy vào đó tất cả những đức tính tốt đẹp và vĩ đại nhất để khiến người dân phải phục tùng. Vì vậy mà điều kiện để tiến tới và xẩy ra một cuộc cách mạng dân chủ đến muộn hơn cho đất nước chúng ta. Sau khi thoát khỏi ách phong kiến thực dân, người dân Việt Nam lại phải sống trong đêm đen của chế độ độc tài Cộng sản, họ không được tiếp cận với thành quả cách mạng dân chủ của nhân loại. Thêm vào đó, lại bị sự tuyên truyền nhồi sọ của hệ tư tưởng cộng sản sai trái. Ngoại trừ 20 năm người dân Miền Nam được sống trong chế độ dân chủ non trẻ, nhưng lại phải gánh chịu hoàn cảnh chiến tranh. Tất cả những điều đó khiến cho người dân Việt Nam như ở trong một mê cung, không lối thoát về nhận thức tư tưởng. Khác với các quốc gia Châu Âu Cộng sản khác, người dân Việt Nam chưa có thói quen hành xử tự do, về sự làm chủ bản thân đối với xã hội.
Giai cấp Tư Sản không đủ mạnh: Trong suốt thời kỳ cai trị, thực dân Pháp đã kìm hãm sự phát triển của giai cấp Tư sản Việt Nam, hòng để độc quyền về kinh tế. Điều này khiến cho giai cấp Tư sản trở nên nhỏ bé và yếu đuối trước hiện thực xã hội, không đủ sức để đảm nhận vai trò lịch sử của mình, đó là lãnh đạo xã hội sau khi chế độ phong kiến – thực dân chấm dứt. Đảng Cộng sản đã chớp lấy cơ hội này để cướp chính quyền bằng vũ lực, áp đặt hệ tư tưởng Cộng sản lên đất nước Việt Nam. Sau khi chế độ thực dân tan rã thì cơ cấu xã hội Việt Nam vẫn ở trong tình trạng nửa Phong kiến. Vì vậy mà dù chính phủ dân chủ đã được xác lập (Nội các Trần Trọng Kim), nhưng không có thực quyền. Giai cấp tư sản tiến bộ lúc này đang quá non yếu, không đủ khả năng đảm đương sứ mệnh lãnh đạo đất nước trong hoàn cảnh rối ren.
Người dân vẫn chưa vượt qua được nổi sợ hãi: Chế độ độc tài tồn tại dựa trên sự cai trị tuyệt đối, sử dụng bạo lực để cấm đoán những phản kháng của nhân dân. Vì vậy mà người dân Việt Nam đang phải sống trong nỗi sợ hãi bởi sự kìm kẹp. Phải có điều kiện lịch sử chín muồi, lòng căm phẫn của người dân lên tới tột cùng thì họ mới bước qua được nỗi sợ hãi do chế độ gieo rắc.
Ngày nay, cùng với sự phát triển vượt bậc của các xã hội Dân chủ thì nhận thức của người dân cũng đã thay đổi. Những cuộc cách mạng dân chủ gần đây trên thế giới đã đẩy các chế độ độc tài còn sót lại đến bờ vực của sự diệt vong. Sự bùng nổ của thế giới thông tin đã thúc đẩy cách mạng xã hội, vì rằng các chế độ độc tài không thể bưng bít sự thật như trước đây được nữa.
Hy vọng với tất cả những điều kiện thuận lợi nói trên, thì cái đuôi con Thạch Sùng ở nước ta sẽ không còn ngọ nguậy.
Đăng bởi Minh Văn


Nào ai biết được lòng tham
Như là câu hát câu hò quan tham
Ba tháng hò hét công dân
Cuối cùng chạy tội cho bầy con hoang
Chúng ta không muốn tụt lùi
Không lui không nén mới là công dân
Lòng người trong chốn bụi trần
Công dân không thể nén lòng lặng câm

KN

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen